LỄ KHỞI CÔNG CẦU ĐÌNH (CẦU TỪ TÂM 68)

LỄ KHỞI CÔNG CẦU ĐÌNH (CẦU TỪ TÂM 68)

 

        Nghe đến tên xã An Bình, chắc hẳn mọi người sẽ hình dung một vùng quê thanh bình, yên ả ở đâu đó thuộc miền tây Nam Bộ. Quả không sai, chỉ riêng các tỉnh ĐBSCL có ít nhất 3 xã mang cái tên này ở Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhắc đến xã An Bình, một xã vùng ven thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

        Với dân số 2.580 hộ, trong đó vẫn còn 49 hộ nghèo và 152 hộ cận nghèo, trong những năm qua, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã đã nỗ lực xây mới và nâng cấp nhiều cây cầu, tuyến đường, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến, điều kiện sống của người dân từng bước được cải thiện. Xã An Bình đã vinh dự được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017.

        Nói như vậy không có nghĩa là cơ sở hạ tầng giao thông như cầu, đường đều đã được cải tạo nâng cấp.   Ngay phía trước trụ sở UBND xã là con sông An Bình rộng khoảng 45m, và chiếc cầu sắt mang tên cầu Đình được xây dựng từ kinh phí của Trung ương đoàn cách nay vừa tròn 40 năm, đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt cầu nhỏ hẹp, lớp vữa xi măng đã bong tróc, trụ cầu bằng sắt hoen gỉ vẫn hàng ngày gánh tải trọng của hàng ngàn lượt xe 2 bánh qua lại. Mặc dù tuyến đường 2 bên đều đã mở rộng 3 mét, nhưng xe 4 bánh không thể lưu thông qua cầu mà phải đi đường vòng nhiều kilomet.

        Ước mơ có một chiếc cầu mới rộng rãi, chắc chắn thay cho chiếc cầu Đình cũ kỹ chính là nỗi trăn trở từ bao lâu nay của chính quyền và bà con nhân dân trên địa bàn. Nhưng kinh phí khá lớn trong khi nguồn lực của một xã thuần nông còn nhiều hạn chế luôn là một bài toán khó. Và bài toán ấy, hôm nay đã có lời giải, với sự góp sức của Nhóm thiện nguyện Từ Tâm (TNTT) – một tổ chức tập hợp những doanh nghiệp và cá nhân có tấm lòng thiện nguyện, muốn giúp đỡ cộng đồng bằng cả tấm lòng.

        Còn nhớ, một ngày đầu năm 2019, Nhóm TNTT đã về xã An Bình, cùng địa phương làm lễ khánh thành chiếc cầu nối yêu thương số 16 (cầu Từ Tâm số 11). Cầu có chiều dài 36m, rộng 2,8m, với tổng kinh phí 180 triệu đồng do công ty Nhựa Tiền Phong tài trợ 50 triệu đồng, Nhóm TNTT đóng góp 80 triệu đồng, số còn lại 50 triệu đồng do địa phương đối ứng bằng vật tư và ngày công lao động.

        Từ ngày khánh thành đưa vào sử dụng, chiếc cầu đã phát huy hiệu quả vô cùng to lớn, với hàng trăm lượt phương tiện xe 2 – 4 bánh và hàng trăm em học sinh qua lại mỗi ngày. Không thể diễn tả hết niềm vui của bà con sống trên địa bàn từ khi có chiếc cầu mới, bởi việc vận chuyển hàng hoá nông sản, đi lại hai bên bờ kênh trở nên thuận tiện, góp phần thay đổi đáng kể điều kiện sống của người dân nơi đây.

        Như một mối duyên lành, hôm nay, các thành viên của nhóm TNTT quay trở lại nơi đây với một công trình có giá trị hơn nhiều. Cầu Đình mới có chiều dài 55m, rộng 3,3m, tải trọng 5 tấn. Với quy mô như vậy, thật đáng ngạc nhiên khi dự toán kinh phí của đội làm cầu Phước Hảo chỉ vỏn vẹn có 500 triệu đồng! Với số tiền khiêm tốn này, chắc chắn, trong thời gian thi công sẽ cần đến sự chung tay góp sức của bà con sống ở hai bên cầu, và nguồn nhân lực từ Trung đoàn bộ binh 320 – đơn vị kết nghĩa với xã An Bình trong Chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới.

        Phát biểu tại Lễ khởi công, anh Nguyễn Ngọc Tâm – thành viên Ban điều hành Nhóm TNTT cho biết: chỉ sau chưa đầy 3 năm thành lập, Nhóm TNTT đã vận động kinh phí từ các doanh nghiệp và cá nhân cả trong và ngoài nước, tài trợ kinh phí xây dựng hơn 70 chiếc cầu dân sinh trên khắp cả nước, chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ.

        Với cầu Đình (cầu TT 68) khởi công hôm nay, Nhóm TNTT xin tri ân tấm lòng của anh Võ Văn Thu Tứ, qua sự gieo duyên của anh Phạm Minh – Trưởng nhóm TNTT, đã ủng hộ 200 triệu đồng. Quỹ xây cầu Kairos đóng góp 145 triệu đồng, các thành viên của Nhóm TNTT ủng hộ 55 triệu đồng, cùng với 100 triệu đồng kinh phí đối ứng của địa phương để có đủ kinh phí xây chiếc cầu quan trọng này.

        Nghi thức động thổ, khởi công công trình diễn ra đơn giản, nhưng trang trọng. Mọi người cùng thắp một nén nhang, cầu cho ông bà phù hộ để việc thi công diễn ra suôn sẻ, thời tiết thuận lợi, chiếc cầu mơ ước sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Và, hy vọng rằng vong linh của cụ Trương Tấn Minh – một chí sĩ yêu nước, mà phần mộ vừa được UBND xã di dời và an vị trong khuôn viên Đình Thần ngay bên kia cầu, sẽ phù hộ độ trì cho người dân ấp An Nghiệp nói riêng, xã An Bình nói chung có được cuộc sống sung túc trong thời gian tới.

        Xin tạm biệt chị Huyền Trang – chị Bí thư kiêm Chủ tịch xã An Bình, người đứng đầu chính quyền địa phương lúc nào cũng tận tâm với công việc, gần gũi với người dân. Tạm biệt bà con và các em học sinh, các thành viên Nhóm TNTT trở về TP.HCM, và sẽ quay trở lại vào dịp khánh thành cầu (dự kiến cuối tháng 08/2020) với những món quà ấm lòng dành tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn, những suất học bổng nghĩa tình gởi đến các em học sinh vượt khó học giỏi. Chỉ khoảng 2 tháng nữa thôi – ngày vui ấy sẽ không còn xa!