LỄ KHỞI CÔNG 13 CẦU TỪ TÂM 83-95

LỄ KHỞI CÔNG 13 CẦU TỪ TÂM 83-95

 

        Vậy là năm 2020 đã trôi qua – một năm rất đặt biệt mà chắc chắn trong nhiều năm sau, chúng ta sẽ không thể nào quên, khi mà dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của cuộc sống, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Thật may mắn, với tâm huyết và nỗ lực của các thành viên Nhóm TNTT, sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp đồng hành mà Nhóm chúng ta đã hoàn thành 30 chiếc cầu giao thông nông thôn ở 13 tỉnh thành, vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm.

        Bước sang năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, Nhóm TNTT vẫn đặt mục tiêu xây dựng 32 chiếc cầu cho bà con vùng sâu vùng xa. Và trong những ngày đầu năm mới, khi mọi người đang tất bật hoàn thành nốt những công việc còn dang dở, chuẩn bị đón xuân Tân Sửu, thì các thành viên Nhóm TNTT lại hối hả lên đường, cùng với địa phương khởi công giai đoạn 1 với 13 chiếc cầu ở 6 tỉnh, sẵn sàng để thi công ngay sau Tết nguyên đán. Toàn bộ 13 chiếc cầu này đều thuộc chương trình Cầu Nối Yêu Thương (CNYT) do công ty Nhựa Tiền Phong cùng một số doanh nghiệp đồng hành tài trợ phần lớn kinh phí, bên cạnh đối ứng của địa phương và đóng góp của Nhóm TNTT.

        Bình Thạnh là xã thứ 3, sau An Bình và Ba Sao thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp mà Nhóm TNTT triển khai xây cầu. Vị trí cầu nằm ở ấp Bình Hưng – một cù lao nằm giữa dòng sông Tiền với 547 hộ dân, kinh tế chủ yếu là cây ăn trái mà chủ lực là xoài. Đường đan bao quanh cù lao đã hoàn chỉnh, nhưng hệ thống cầu đều nhỏ hẹp, xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển nông sản của bà con. Hy vọng rằng, chiếu cầu đầu tiên có chiều dài 28m, rộng 3,3m, kinh phí 255 triệu đồng sẽ tạo cú hích để địa phương huy động thêm nhiều nguồn lực, xây thêm nhiều chiếc cầu nữa trên vùng đất cù lao này.

        Rời Đồng Tháp, đoàn di chuyển đến huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Trong các năm 2019-2020, Nhóm TNTT đã tài trợ kinh phí xây 4 chiếc cầu ở An Giang, nhưng đều thuộc huyện Chợ Mới. Qua sự kết nối của công ty Tân Thái Hòa – nhà phân phối sản phẩm Nhựa Tiền Phong tại An Giang, Nhóm TNTT đã đến nơi khảo sát và quyết định tài trợ cùng một lúc 3 chiếc cầu rất bức xúc ở các ấp Bình Hưng 1, Bình Hưng 2, Bình Trung, xã Bình Mỹ. Cả 3 vị trí cầu đều xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của bà con, nhất là các em học sinh qua lại hàng ngày. Tổng kinh phí xây 3 chiếc cầu là 626 triệu đồng, trong đó chương trình CNYT tài trợ 468,4 triệu và địa phương đối ứng 95 triệu đồng.

        Rời An Giang, đoàn chúng tôi đến với xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Đây là một xã vùng sâu có đông bà con người Khmer sinh sống. Một bên bờ kênh là đường nhựa 4m, bắc qua kênh là chiếc cầu nhỏ hẹp đã xuống cấp, nên cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Với chiếc cầu Từ Tâm 88 (CNYT 66) dài 50 mét, rộng 3,3 mét với tổng kinh phí xây dựng 670 triệu đồng, sau khi hoàn thành chiếc cầu sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.

        Xã Vĩnh Thắng thuộc huyện Gò Quao – một huyện vùng sâu của tỉnh kiên Giang. Trong các năm 2019 – 2020, Nhóm TNTT đã tài trợ kinh phí xây 2 chiếc cầu ở xã này, tuy nhiên do hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhu cầu có thêm những chiếc cầu mới thay cho cầu cũ xuống cấp, hoặc những vị trí chưa có cầu còn rất lớn! Sau quá trình khảo sát, Nhóm TNTT quyết định tài trợ kinh phí thi công 2 chiếc cầu cho xã này. Cầu Từ Tâm 89 (CNYT (67) có kích thước 22 m x 3,3 m, còn cầu Từ Tâm 90 (CNYT 68) dài 26 m, rộng 3,3 m với tổng kinh phí 413 triệu đồng, sau khi hoàn thành sẽ giúp cho việc đi lại của bà con và các em học sinh đỡ vất vả và rủi ro hơn rất nhiều!

        Nếu như năm 2020, Nhóm TNTT đã tài trợ 2 chiếc cầu đầu tiên ở TP. Cần Thơ đều thuộc xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, thì 2 chiếc cầu của năm 2021 được chọn ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ và xã Vĩnh Bình thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Đây là 2 vị trí cầu bức xúc nhất trong số rất nhiều vị trí cầu ở 2 địa phương này, đang rất cần các doanh nghiệp – cá nhân có lòng hảo tâm chung tay với Nhóm, để xây cầu cho bà con. Cầu TT91 (CNYT 69) được xây ở Ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ có chiều dài 35 mét, rộng 3,5 mét với kinh phí 343 triệu đồng, còn cầu TT92 (CNYT 70) được xây ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh có chiều dài 30 mét, rộng 4,0 mét với kinh phí 384 triệu đồng.

        Rời Cần Thơ, đoàn chúng tôi đến với xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Mới đây thôi, tháng 12 năm ngoái, Nhóm TNTT đã tài trợ kinh phí xây mới 2 chiếc cầu ở địa phương này (cầu TT80 và TT81), tại ngã 3 kênh trên địa bàn ấp 10 và ấp Mỹ Tân, tạo thành 1 điểm sáng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế và văn hóa xã hội cho xã nhà. Ở địa phương này, chúng tôi cảm nhận được sự đồng lòng chung sức của chính quyền và người dân, từ Bí thư, Chủ tịch xã đến lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể đều không nề hà, cùng xắn tay áo chia sẻ công việc xây cầu với đội thi công và bà con, để cầu sớm hoàn thành. Và cầu TT93 (CNYT 71) dài 24 mét, rộng 3,3 mét, kinh phí 206 triệu đồng sẽ là chiếc cầu đầu tiên trong số 13 cầu khởi công đợt này hoàn thành ngay trước Tết Nguyên Đán, mang lại niềm vui khôn tả cho người dân địa bàn ấp 10-11 trước thềm năm mới Tân Sửu.

        Trong số gần 100 chiếc cầu mà Nhóm TNTT tài trợ kinh phí xây dựng trên cả nước tính đến thời điểm này, Bến Tre là tỉnh được tài trợ nhiều nhất với tổng số 12 cầu. Trong đợt này, Nhóm TNTT tiếp tục đến với Bến Tre với 2 chiếc cầu nữa. Cầu Từ Tâm 94 (CNYT 72) được thi công tại ấp Giồng Lớn 1, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mõ Cày Bắc có chiều dài 17 mét, rộng 2,8 mét với tổng kinh phí 92 triệu đồng, còn cầu TT95 (CNYT 73) được thi công tại ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri dài 24 mét, rộng 3,3 mét với tổng kinh phí 206 triệu đồng.

        Kết thúc chuyến công tác 4 ngày, khởi công 13 chiếc cầu ở 6 tỉnh, các thành viên trong đoàn ai cũng thấm mệt. Tuy nhiên, mọi cảm giác mệt mỏi dường như tan biến, khi chúng tôi hình dung những nét mặt hân hoan, nụ cười rạng rỡ của bà con và các em học sinh ngày khánh thành cầu. Xe 4 bánh chở hàng hóa, nông sản, từng nhóm học sinh đạp xe hoặc sải bước đến trường qua chiếc cầu bê tông kiên cố thay cho nhịp cầu cũ ộp ẹp, trụ cầu bong tróc gỉ sét… sẽ không còn là mơ ước nữa, mà chỉ vài tháng nữa thôi sẽ trở thành hiện thực. Chúng tôi rất mong đến ngày đó, để gặp lại bà con, uống ly nước dừa mát lịm tình quê, cảm nhận được tình thân ái, nghĩa đồng bào của những người dân hồn hậu, chất phác. Và những phần quà tình nghĩa, suất học bổng tiếp sức đến trường từ tấm lòng của nhiều doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm sẽ được chúng tôi trao tận tay các hộ nghèo, những em học sinh vượt qua nghịch cảnh, quyết tâm đến trường tiếp thu kiến thức, để có một tương lai tươi sáng hơn.

        Chính quyền địa phương mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều bày tỏ lòng tri ân đến những tấm lòng thiện nguyện của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đã cùng đồng hành với Nhóm Thiện nguyện Từ tâm, làm những việc rất có ý nghĩa cho cộng đồng. Với chúng tôi, những thành viên của Nhóm, không mong mỏi gì hơn là được nhìn thấy niềm hân hoan, những nụ cười rạng rỡ của bà con và các em học sinh, khi đi qua những nhịp cầu mới, để có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống này.